Kiên Giang thu hút 243 dự án đầu tư du lịch (2015-05-14 04:00:00)

Theo Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh đã thu hút 243 dự án đầu tư du lịch đang còn hiệu lực, tổng diện tích hơn 8.000 ha, trong đó 154 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 89 dự án có chủ trương đầu tư.

30835kiengiang_tindiaphuongimg1431519963

Khu du lịch, nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Phú Quốc

Theo Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh đã thu hút 243 dự án đầu tư du lịch đang còn hiệu lực, tổng diện tích hơn 8.000 ha, trong đó 154 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 89 dự án có chủ trương đầu tư.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tỉnh đã xác định 4 vùng du lịch trọng điểm là Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận. Trong đó, vùng Phú Quốc thu hút 189 dự án du lịch, diện tích 6.804 ha. Toàn tỉnh hiện có 37 dự án hoàn thành, đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.812 tỷ đồng. Những dự án này phần lớn đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, mua sắm kết hợp dịch vụ - du lịch… Quy mô nhất là quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc, diện tích hơn 300 ha, gồm khu khách sạn biệt thự 5 sao 750 phòng, khu vui chơi giải trí hiện đại, sân golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế. Dự tính năm 2015, tỉnh có 370 cơ sở lưu trú, với 7.750 phòng phục vụ du khách, trong đó 12 khách sạn đạt 3 - 5 sao, tập trung ở Phú Quốc, Rạch Giá và Hà Tiên.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch với nhiều công trình như: Cảng du lịch Rạch Giá, nâng cấp Sân bay Rạch Giá, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng du lịch Bãi Vòng, các tuyến quốc lộ 80, 63, 61, N1, hệ thống đường giao thông trên đảo Phú Quốc, đưa điện lưới quốc gia ra 2 đảo Phú Quốc và Hòn Tre (Kiên Hải), xây dựng hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải và rác thải Khu du lịch Mũi Nai, Hòn Phụ Tử (Hà Tiên), Công viên Văn hóa An Hòa (TP. Rạch Giá)…

Du lịch Kiên Giang hiện có nhiều sản phẩm như: du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; hệ thống những khu, điểm tuyến du lịch hình thành ở Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải, Rạch Giá, U Minh Thượng. Tại các di tích lịch sử - văn hóa, một số lễ hội được quan tâm đầu tư nâng cấp, thu hút nhiều khách du lịch đến như: Tao đàn Chiêu Anh Các (Hà Tiên), lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (TP. Rạch Giá), lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ Nhà tù Phú Quốc, lễ giỗ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng - Chị Sứ (Hòn Đất), Ngày hội Văn hóa, Thể thao - Du lịch dân tộc Khmer (Gò Quao)… Một số nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp như: sản xuất nước mắm, rượu sim, hồ tiêu, ngọc trai và sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác từ các loại đá, gỗ, vỏ ốc, đan lát cỏ bàng, lục bình… được đầu tư phát triển, phục vụ khách du lịch.

Tỉnh đã xây dựng và thực hiện các tour du lịch kết nối các vùng du lịch trọng điểm trên địa bàn với các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước. Phối hợp xây dựng tour du lịch “Đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến bốn địa phương +” kết nối các điểm đến du lịch của các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau và Bạc Liêu. Giai đoạn 2011 - 2015, có khoảng 18,4 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch tỉnh Kiên Giang, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, trong đó khách quốc tế khoảng 874.000 lượt du khách, tăng trưởng 12,6%/năm; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 6,1 triệu tỷ đồng. Năm 2015, Kiên Giang dự kiến sẽ đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó hơn 4 tháng đầu năm nay đón khoảng 1,9 triệu lượt khách, đạt 31,6% kế hoạch.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn chậm, nhiều dự án phải thu hồi chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư do chủ đầu tư không đủ năng lực. Cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh du lịch có tăng thêm, nhưng phần lớn quy mô nhỏ, chất lượng cơ sở vật chất và các dịch vụ du lịch còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Cơ sở lưu trú cho khách du lịch ở Phú Quốc thường diễn ra tình trạng “cháy phòng” trong các dịp lễ, tết… Còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng chưa có nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo; các tài nguyên đưa vào khai thác phát triển du lịch chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, hàm lượng chất xám kết tinh trong sản phẩm du lịch hạn chế, chưa có tính đột phá, sáng tạo. Chất lượng lao động trong ngành du lịch còn thấp; đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn viên du lịch vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn và ngoại ngữ. Khai thác, phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tài nguyên du lịch của tỉnh Kiên Giang./.

Lê Huy Hải