Ra đảo mùa xuân (2012-02-09 16:31:44)

Đã thành thông lệ mỗi dịp xuân về, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang đều tổ chức các đoàn cán bộ đi thăm hỏi, động viên, tặng quà tết cho đồng bào, chiến sĩ các địa phương trong tỉnh. Song có lẽ nhiều cảm xúc nhất là những chuyến đi ra đảo. Năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn cán bộ đi thăm, chúc Tết cổ truyền Nhâm Thìn các đảo thuộc hai huyện Kiên Hải và Phú Quốc.

19863kiengiang_tindiaphuongimg1326689994

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam tặng quà cho gia đình chính sách xã đảo Thổ Châu.

Đã thành thông lệ mỗi dịp xuân về, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang đều tổ chức các đoàn cán bộ đi thăm hỏi, động viên, tặng quà tết cho đồng bào, chiến sĩ các địa phương trong tỉnh. Song có lẽ nhiều cảm xúc nhất là những chuyến đi ra đảo. Năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn cán bộ đi thăm, chúc Tết cổ truyền Nhâm Thìn các đảo thuộc hai huyện Kiên Hải và Phú Quốc. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tháp tùng theo đoàn chúc Tết, anh em báo chí bảo nhau: Lạ một điều là năm nào cũng chỉ thăm, tặng quà chừng đó gia đình chính sách, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, vậy mà cảm xúc chưa bao giờ cũ. Cảm xúc vui mừng vì thấy biển đảo thay da đổi thịt, vươn lên mỗi ngày cũng có, nhưng xen lẫn niềm vui luôn là những ngậm ngùi, cảm thông khi thấy đảo xa còn khó khăn nhiều. 

Biển đảo thay da đổi thịt<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Những ngày giáp Tết nguyên đán này, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Phú Quốc ai ai cũng nôn nao, hi vọng trục đường Nam – Bắc đảo, tuyến vòng quanh đảo Phú Quốc, rồi sân bay quốc tế Dương Tơ sẽ sớm hoàn thành đưa vào hoạt động trong năm 2012, hoặc chậm lắm là năm 2013. Nhưng vui nhất là thông tin về tuyến cáp điện ngầm xuyên biển đưa điện từ đất liền ra đảo sắp được khởi công. Có đường giao thông, có sân bay quốc tế hiện đại, có điện giá rẻ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân thì chắc chắn đảo Phú Quốc sẽ cất cánh phát triển rất nhanh.

Thương binh 3/4 Nguyễn Thành Hữu (ngụ ấp Bún Gội, xã Cửa Dương, Phú Quốc) xúc động nói: “Phải nói là Phú Quốc bây giờ phát triển gấp mấy chục lần so với trước. Nhìn con đường nhựa trước nhà mình tôi rất hạnh phúc, bởi ước mơ mấy chục năm của người dân nơi đây đã thành hiện thực”.

Tại xã đảo Thổ Châu (huyện Phú Quốc, là nơi xa nhất thuộc vùng biển Tây <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam), báo cáo với đoàn chúc Tết, Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Trường Vũ cho biết: Năm 2011, các lĩnh vực kinh tế trên đảo đều có bước phát triển đáng mừng so với năm 2010. Thương mại dịch vụ ước tổng doanh thu 17,9 tỉ đồng, tăng 5,29% so với cùng kỳ. Sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hơn 41 tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp của xã tiếp tục hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong điều kiện cách xa đất liền, phương tiện vận tải hành khách còn hạn chế như hiện nay, thì việc phát triển thông tin liên lạc là ưu tiên hàng đầu ở Thổ Châu. Theo Bí thư Nguyễn Trường Vũ, đến nay tỉ lệ điện thoại cố định trên 100 dân ở Thổ Châu đã đạt 3,3 máy. Cả 3 mạng di động lớn trong nước là Viettel, Mobiphone và Vinaphone đều đã phủ sóng tới đảo, giảm đáng kể khoảng cách giữa Thổ  Châu với các đảo khác và với đất liền. Những ngày cuối năm 2011, người dân trên đảo còn rất xúc động và vui mừng khi thấy 02 công trình là đền tưởng niệm 500 người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ thảm sát năm 1975 vàb tuyến đường vòng quanh đảo dài 5,2 km được khởi công.

Cô Hà Thị Oanh – Phó hiệu trưởng Trường THCS Thổ Châu cho biết, những năm gần đây, hệ thống trường lớp từ mẫu giáo tới hết lớp 9 trên đảo được quan tâm, đầu tư khá tốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Năm học 2011 – 2012 này, tỉ lệ huy động trẻ em 3 – 4 tuổi đi nhà trẻ đạt 85%, còn tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

Hôm chúng tôi ra đảo, Trạm Y tế Thổ Châu mới xây dựng khang trang, hiện đại cũng đang chuẩn bị hoàn thiện để kịp đưa vào phục vụ nhân dân trước Tết cổ truyền Nhâm Thìn 2012.

Rời Thổ Châu, đoàn chúc Tết tiếp tục tới thăm các đảo thuộc huyện Kiên Hải. Tại các xã Lại Sơn, An Sơn và Hòn Tre những hộ kinh doanh đã tập trung nhiều hàng hoá, lương thực, thực phẩm chuẩn bị Tết. Ông Nguyễn Tất Linh – Phó chủ tịch xã An Sơn (huyện Kiên Hải) cho biết: Năm nay ngư dân trên đảo phấn khởi, đánh bắt cá thu, mực đều trúng mùa, được giá. Kéo theo đó là các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, thương mại cũng ăn nên làm ra. Nhìn chung, những tháng cuối năm 2011 thì việc làm ăn của người dân thuận lợi hơn thời điểm đầu năm.

19863kiengiang_tindiaphuongimg1326689994

Đây là con tàu duy nhất cứ 5 ngày chạy một chuyến từ Thổ Châu và Phú Quốc và ngược lại, mỗi chuyến mất từ 7 – 9 giờ đồng hồ.

Phát biểu với lãnh đạo các xã, huyện đảo mà đoàn đến chúc Tết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam nhận xét: So với những năm trước, tình hình kinh tế đời sống tại các đảo hiện nay tốt hơn rất nhiều. Đại bộ phận người dân có việc làm, thu nhập ổn định, trong đó đáng vui mừng nhất là đời sống của hầu hết các gia đình chính sách đều ở mức trung bình khá so với mặt bằng chung. Cơ sở hạ tầng đường sá, trường học, trạm y tế tại các đảo đã được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Riêng năm 2011 vừa qua, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các địa phương hải đảo đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Thương lắm đảo xa<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Dù kinh tế - xã hội các địa phương hải đảo có bước phát triển tích cực, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Nếu Phú Quốc (không kể xã Thổ Châu), Hòn Tre có tàu cao tốc đi lại vài chuyến mỗi ngày với đất liền, thì ở các đảo khác xa hơn như: Lại Sơn, An Sơn, Thổ Châu, Nam Du, Hòn Nghệ… chuyện đi vào đất liền vẫn còn rất vất vã.

Thiếu tá Nguyễn Tùng Lâm – Trưởng ngành điện Hải quân Thổ Châu thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải Quân chia sẻ: “100% phụ nữ lấy chồng ở Thổ Châu lúc mang bầu sắp sinh đều phải vào đất liền trước hàng tháng trời để chuẩn bị, chứ ở đây nếu có chuyện gì thì không xử trí kịp. Các trường hợp cấp cứu đều phải thuê tàu đánh cá chở vào đất liền tốn kém từ 15 – 20 triệu đồng, mà không phải lúc nào cũng có tàu để thuê. Đau buồn nhất là những trường hợp cấp cứu gặp mùa giông bão tàu nhỏ không thể đi được đành chịu chết. Từ trước đến nay Thổ Châu chỉ có duy nhất 01 chiếc tàu chạy vào Phú Quốc, nhưng phải 5 ngày mới có một chuyến, còn thời gian hành trình có khi lên tới 9 giờ đồng hồ”.

Cái khó lớn nhất đối với hầu hết các đảo chính là thiếu điện. Đến thời điểm này, chỉ có đảo Phú Quốc là được cấp điện 24/24 giờ, còn lại nhiều nhất là xã Hòn Tre (trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải) cũng chỉ có điện 20/24 giờ, các đảo khác thì tuỳ vào công suất máy phát mà cấp điện sinh hoạt từ 3 – 12 giờ mỗi ngày. Thiếu tá Nguyễn Tùng Lâm – tâm sự: “Điện không chỉ mang tới ánh sáng, mà ở đảo xa điện còn mang lại thông tin, đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần của nhân dân. Thiếu điện là thiếu tất cả. Tụi tôi đã có văn bản đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ trang bị thêm 01 máy phát để nâng số giờ cấp điện cho dân từ 12 lên 16 giờ mỗi ngày”.

19863kiengiang_tindiaphuongimg1326689994

Đêm văn nghệ ấm tình đất liền – đảo xa (trong ảnh là một tiết mục giao lưu với đoàn chúc Tết của các chiến sĩ Hải quân Thổ Châu).

Không chỉ thiếu điện, nhiều xã đảo còn thiếu nước sạch sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Hôm đoàn chúc Tết đến xã An Sơn, vừa bước lên bờ tôi đã hỏi một người dân ở gần trụ sở xã: “Cái hồ có nước chưa chị?”. Chị này cười rất tươi trả lời nhanh: “Chứa nước được rồi, nhưng còn thiếu… đường ống dẫn về nhà dân”. Trong cuộc họp ngắn sau đó, Bí thư xã An Sơn Nguyễn Văn Đượm cũng đã kiến nghị huyện Kiên Hải, UBND tỉnh xem xét đầu tư xã hệ thống ống dẫn từ hồ tới nhà dân. Hồ nước Nam Du ở xã An Sơn cũng có số phận nhọc nhằn như đời dân đảo. Năm 2001, hồ nước do Chủ tịch nước khi ấy là Trần Đức Lương trao tặng dân xã đảo hoàn thành đưa vào sử dụng, được đúng 1 năm thì hư hỏng không chứa được nước. Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang đã phải cấp kinh phí sửa chữa nhiều lần, hi vọng lần này hồ sẽ sử dụng lâu dài.

Nói về không khí đón xuân trên đảo, Phó chủ tịch xã An Sơn Nguyễn Tất Linh trầm ngâm: “Tết năm nào cũng vậy, xã đảo buồn hiu bởi hơn phân nữa cư dân trở về quê quán trong đất liền để sum vầy”. Chú Nguyễn Huỳnh Xia, gia đình chính sách sống tại xã An Sơn cho biết thêm: “Trên đảo đón xuân cũng chỉ có rượu là nhiều, nhu cầu giải trí tinh thần cho người dân còn rất thiếu thốn”.

Đời sống tinh thần còn nghèo nàn, nên không khó hiểu khi thấy người dân kéo đến chật kín khoảng sân rộng của Hải quân Thổ Châu để xem những tiết mục văn nghệ do các diễn viên của Trung tâm Văn hoá tỉnh ra đảo biểu diễn phục vụ.

Thầy giáo trẻ Đinh Trung Tín (sinh năm 1987, quê ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long) – giáo viên dạy từ lớp 1 tới… lớp 9 tại trường THCS cấp 1 – 2 xã Thổ Châu tâm sự: “Khi chưa ra đây em chưa hề biết tới Phú Quốc, chứ đừng nói Thổ Châu xa xôi. Ra đảo thấy khó khăn, nhiều lúc cũng muốn trở về đất liền để gần gũi gia đình, nhưng cứ nhìn vào ánh mắt ngơ ngác của các em học sinh lại thấy nặng lòng với đất đảo. Trong số 22 giáo viên trên đảo hiện nay, chỉ có 01 người là dân địa phương, còn lại đều từ đất liền ra phục vụ. Mừng là chưa có trường hợp nào vì khó khăn mà phải bỏ đảo cả”.

Thầy giáo trẻ này có một ước mơ, đó là Thổ Châu sớm có trường cấp 3 để các em học sinh theo học dễ dàng. “Mỗi năm, số học sinh hết cấp 2 vào Phú Quốc học tiếp bậc phổ thông trung học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vào đó phải thuê nhà trọ, chi phí ăn ở, tiền học quá cao nên chỉ nhà nào có điều kiện mới dám cho con học cấp 3. Số không đi học tiếp được thì ở lại đảo làm thuê, làm mướn rồi lập gia đình sớm” – thầy Đinh Trung Tín nói.

Phát biểu trong đêm văn nghệ phục vụ bà con xã đảo, Thượng tá Phạm Anh Tuấn – Phó chủ nhiệm Chính trị Hải quân Thổ Châu xúc động nói: “Thay mặt chiến sĩ và bà con xã đảo, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với toàn thể thành viên của đoàn chúc Tết. Các đồng chí đã không quản ngại sóng gió, vượt hàng trăm cây số ra với bà con dân đảo, cái tình của đất liền chính là món quà quý giá nhất dành cho chúng tôi”.

Vui nhất là xuân Nhâm Thìn này Thổ Châu được đón tới 2 đoàn khách ra thăm, chúc Tết. Một đoàn của tỉnh Kiên Giang còn một đoàn cả trăm người từ các tính/thành ĐBSCL. Chia tay với đất đảo mà lòng tôi cứ đau đáu câu dặn dò của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam: “Cho dù khó khăn thế nào đi nữa, thì cấp uỷ và chính quyền ở đảo cũng phải quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Cố gắng tạo không khí phấn khởi để bà con vui xuân, bước sang năm mới với tinh thần lạc quan, vui tươi và hạnh phúc”.

Dẫu biết hành trình đến với đảo xa đầy nhọc nhằn, sóng gió, song nhìn về phía biển mỗi người trong chúng tôi ai cũng thầm nhủ một lời hẹn: “Gặp lại vào mùa xuân năm sau nhé. Chúng tôi lúc nào cũng hướng về biển đảo thân thương”./.

Q.Bình